Mua sắm cuối năm: Smartwatch chưa phải hàng hot

Các nhà cung cấp phải đưa ra những thiết kế đột phá, hạ giá hơn nữa và tăng cường ứng dụng thì mới hy vọng smartwatch trở thành thiết bị tiêu dùng phổ biến.

Smartwatch (đồng hồ thông minh) không phải mới xuất hiện trên thị trường thiết bị điện tử có thể đeo được (wearable), nhưng với sự tham gia của các đại gia Sony, Samsung, Qualcomm, dường như smartwatch đang có cơ hội sớm trở thành mặt hàng tiêu dùng phổ biến. Tuy nhiên, báo cáo mới đây của một nhóm các chuyên gia nghiên cứu của Gartner cho rằng, smartwatch dù đang gây sự chú ý đối với giới công nghệ nhưng doanh số bán trong mùa mua sắm cuối năm nay sẽ hết sức mờ nhạt. 

Theo bà Annette Zimmermann, nhà phân tích hàng đầu tại Gartner, thế hệ smartwatch mới đã có nhiều cải tiến về kết nối và thêm nhiều tính năng thông minh. Một số có tiềm năng thay thế smartphone với khả năng kết nối mạng di động viễn thông, trong khi số khác có thể hiển thị tin nhắn, khởi động các cuộc gọi và cho phép nghe nhạc trực tuyến. Nhưng nhìn chung thiết kế vẫn thiếu sáng tạo, ít ứng dụng và tính năng còn hạn chế. 

Một chiếc đồng hồ dính liền trên tay sẽ tiện tương tác hơn hẳn điện thoại hay máy tính bảng thường nằm trong túi quần hay túi xách. Dù vậy, Zimmermann cho rằng, hầu hết smartwatch hiện chưa có thiết kế đủ sức hấp dẫn thị trường đại chúng. Màn hình của chúng hầu như còn thô, chưa có tính thời trang, trong khi người tiêu dùng thường có xu hướng chọn mua thiết bị dựa vào vẻ ngoài, vật liệu chế tạo và màu sắc của chúng. Một điểm yếu “chí tử” khác là thời lượng pin của smartwatch hiện “quá tệ”. Chẳng hạn, Galaxy Gear chỉ được 1 ngày sử dụng; Toq của Qualcomm cũng chỉ được 3 – 5 ngày.

Với mức giá phổ biến 200 – 300 USD, rõ ràng smartwatch chưa thể hấp dẫn người tiêu dùng khi thị trường đang tồn tại nhiều mẫu máy tính bảng có nhiều tính năng trong tầm mức giá này.
Hơn nữa, các nhà cung cấp phải hiểu rằng chỉ riêng phần cứng thôi sẽ không quyết định được sự thành công cho smartwatch. “Muốn đưa đồng hồ thông minh vào cuộc sống, các nhà cung cấp phải thu hút được sự tham gia của cộng đồng các nhà phát triển. Cũng như smartphone và máy tính bảng, người đeo đương nhiên mong đợi có thật nhiều ứng dụng và dịch vụ”, bà Angela McIntyre, giám đốc nghiên cứu của Gartner cho biết.

Theo McIntyre, khả năng tương tác và các ứng dụng độc lập làm tăng giá trị của smartwatch, và mặc dù chúng đang đóng vai trò hỗ trợ smartphone, nhưng nếu thiết kế smartwatch chỉ để hoạt động như một thiết bị thứ cấp sẽ dẫn đến thất bại. Các bộ cảm biến như gia tốc kế, con quay hồi chuyển, hồng ngoại, microphone và camera, sẽ đem đến cho các nhà phát triển phần mềm nhiều “đất” để họ tạo ra vô số ứng dụng hữu ích thường ngày. 

Bà McIntyre cho biết khả năng tương tác giữa smartwatch và các thiết bị khác, không chỉ với smartphone và máy tính bảng, sẽ tăng tính hữu dụng của chúng và mang lại những khả năng mới cho người đeo. Một số smartwatch có thể kết nối với tai nghe Bluetooth để giữ riêng tư cho các cuộc gọi, và ngăn không cho nhạc phát ra làm phiền những người xung quanh. Smartwatch có thể kết nối trực tiếp với các điểm truy cập Wi-Fi, qua đó cho phép người đeo truy cập Internet, gửi tin nhắn và thực hiện cuộc gọi qua giao thức Internet (VoIP), không cần tới smartphone. 
 
Công nghệ đồng hồ thông minh đang có những bước tiến khởi sắc, nhưng còn cả một quãng đường dài trước mắt để chinh phục người tiêu dùng. Gartner dự đoán các thiết bị đeo được sẽ vẫn đồng hành với điện thoại di động ít nhất cho đến năm 2017, với ít hơn 1% số người dùng điện thoại cao cấp lựa chọn thay thế điện thoại của họ bằng một thiết bị đeo được kết hợp cùng một máy tính bảng.

Thương Huyền - pcworld.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét